GIỚI THIỆU CHUNG       

Khoa Công Nghệ Thông Tin (CNTT) được thành lập từ tháng 09/1990, và là một trong những Khoa được thành lập đầu tiên của trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Trải qua gần 35 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Khoa có đội ngũ giảng viên cơ hữu giàu kinh nghiệm và tận tâm gồm các Tiến sĩ, Thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường danh tiếng trong và ngoài nước cùng với các giảng viên thỉnh giảng đến từ các trường Đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu uy tín ở TP. HCM. Khoa đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội với số lượng xấp xỉ 5.500 cử nhân khoa học hệ chính quy khối ngành Công nghệ thông tin (Khoa học máy tính, Tin học, Hệ thống thông tin quản lý) và hàng ngàn cử nhân Tin học hệ không chính quy.

Trong năm 2021 & 2022, Khoa có ngành Hệ thống thông tin quản lý đạt chất lượng kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) và ngành Khoa học máy tính đạt chất lượng kiểm định của Hiệp hội Trường Đại học tại Đông Nam Á (AUN).

Khoa đào tạo nhân lực cho khối ngành CNTT có đạo đức, có kiến thức lý thuyết tốt, có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng nắm bắt được những vấn đề mới của sự phát triển ngành, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thông qua quá trình tin học hóa các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, quản lý xã hội, quản lý giáo dục, …
Điều đáng tự hào chính là cựu sinh viên tốt nghiệp từ Khoa trở thành những nhân viên Công nghệ thông tin - lập trình viên - nghiên cứu viên giỏi ở các công ty trong nước - các nước phát triển, hoặc là giảng viên của các trường Cao đẳng – Đại học, hay nắm giữ các vị trí điều hành quản lý tại các công ty, doanh nghiệp và Viện nghiên cứu. Sau khi hoàn thành chương trình Đại học, rất nhiều cựu sinh viên của Khoa đã tiếp tục học ở các bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường danh tiếng trong và ngoài nước.

I. GIỚI THIỆU NGÀNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC 4 NĂM

Khoa hiện đang đào tạo bậc học Đại Học (4 năm) với 06 chương trình theo định hướng nghề nghiệp: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tinCông nghệ thông tin tăng cường tiếng Nhật, Hệ thống thông tin quản lý, Ngành Trí tuệ nhân tạo thuộc chương trình chuẩn và ngành Khoa học máy tính thuộc chương trình chất lượng cao.

1. Ngành Khoa học máy tính (Mã ngành7480101)

Ngành Khoa học máy tính đào tạo các cử nhân có kiến thức chuyên sâu về khoa học máy tính, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và hiện thực các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Sinh viên ra trường có khả năng làm việc với tư cách là lập trình viên, kỹ sư phát triển phần mềm, các ứng dụng thông minh; chuyên viên phân tích nghiệp vụ dự án phần mềm; kiểm thử viên phần mềm; chuyên viên nghiên cứu & phát triển các giải pháp thông minh, phân tích dữ liệu; lập trình viên phát triển ứng dụng mạng, thiết kế và quản trị mạng; chuyên viên huấn luyện và đào tạo, nghiên cứu. Có 04 hướng chuyên ngành với định hướng đặc thù riêng:

2. Ngành Công nghệ thông tin (Mã ngành7480201)

Ngành Công nghệ thông tin đào tạo các cử nhân nắm vững các kiến thức chuyên môn; có khả năng vận hành, quản lý, phát triển các ứng dụng CNTT; đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Các hướng chuyên ngành: Mạng máy tính, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Đồ họa máy tính – thị giác máy tính, Cơ sở dữ liệu – khai phá dữ liệu.

Sau khi học xong chương trình, cử nhân ngành Công nghệ thông tin có thể làm việc ở các vị trí sau:

  • Lập trình viên phát triển, sản xuất và quản lý dự án phần mềm.
  • Chuyên viên phân tích và khai phá dữ liệu.
  • Chuyên viên quản trị và vận hành hệ thống thông tin, Web, Thương mại điện tử.
  • Chuyên viên thiết kế, triển khai và quản trị hệ thống mạng.
  • Chuyên viên an toàn và bảo mật thông tin.
  • Chuyên viên tư vấn, cố vấn, huấn luyện và đào tạo.
  • Nghiên cứu viên trong lĩnh vực CNTT.

** Ngành Công nghệ thông tin tăng cường tiếng Nhật  (Mã ngành: 7480201)

Ngành Công nghệ thông tin tăng cường tiếng Nhật đào tạo cử nhân có phẩm chất chính trị và ý thức trách nhiệm đối với xã hội, có sức khỏe, kiến thức và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực ngành Công nghệ thông tin, có khả năng làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh và tiếng Nhật để phát triển nghề nghiệp và bản thân trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước.

Sau khi học xong chương trình, cử nhân ngành Công nghệ thông tin tăng cường tiếng Nhật có thể làm việc ở các vị trí sau:

  • Lập trình viên phát triển phần mềm, ứng dụng trong lĩnh vực được đào tạo (Programmer/Software Developer).       
  • Chuyên viên quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, hệ thống Cơ sở dữ liệu, hệ thống Web. 
  • Chuyên viên phân tích – khai phá dữ liệu.       
  • Chuyên viên thiết kế, triển khai, quản trị hệ thống mạng. 
  • Chuyên viên an toàn và bảo mật thông tin. 
  • Chuyên viên huấn luyện và đào tạo, nghiên cứu viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

3.  Ngành Hệ thống Thông tin quản lý (Mã ngành: 7340405)

Ngành Hệ thống thông tin quản lý đào tạo các cử nhân có kiến thức chuyên sâu về hệ thống thông tin quản lý; có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản của lĩnh vực CNTT, các kiến thức về kinh tế và quản trị vào quản lý các hệ thống thông tin trong doanh nghiệp.

Sau khi học xong chương trình, cử nhân ngành Hệ thống thông tin quản lý có thể làm việc ở các vị trí sau:

 

4. Ngành Trí tuệ nhân tạo (Mã ngành7480107) - Mới

Chương trình Cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo được xây dựng theo định hướng ứng dụng. Mục tiêu của chương trình đào tạo là tạo ra lực lượng lao động chất lượng, cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo vững các kiến thức nền tảng trí tuệ nhân tạo và có khả năng ứng dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách thông minh. Sinh viên tốt nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có khả năng hiểu, áp dụng các thành tựu trí tuệ nhân tạo, tự nghiên cứu đề xuất các phương pháp mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

5. Ngành Khoa học máy tính (chất lượng cao) (Mã ngành: 7480101C)

Chương trình cử nhân ngành Khoa học máy tính (KHMT) chất lượng cao (CLC) được xây dựng nhằm đào tạo sinh viên đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn chương trình đại trà, từng bước tiếp cận với chất lương đào tạo của các đại học tiên tiến khác trên thế giới. Trong đó các lĩnh vực đang nóng và rất “khát” nhân lực trong ngành Khoa học máy tính được được chú trọng đào tạo chuyên sâu bởi các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm như Trí tuệ nhân tạo, máy học, khoa học dữ liệu.

Sau khi hoàn thành chương trình học, cử nhân ngành KHMT CLC phẩm chất đạo đức, có kỷ luật và có trách nhiệm trong công việc, trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thảo, khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo cao, áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, phân tích, giải quyết các vấn thực tiễn, cạnh tranh, tự tin trong giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ chuyên môn thành thạo. Cử nhân ngành KHMT CLC có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên môn giải quyết các vấn đề về Công nghệ Thông tin.

II. GIỚI THIỆU NGÀNH ĐÀO TẠO HỆ LIÊN THÔNG ĐẠI HỌC 2 NĂM

  • Dành cho đối tượng đã tốt nghiệp Cao đẳng
  • Chương trình học từ 1.5 năm đến 2 năm. Học theo chương trình đại học ngành Khoa học máy tính (Xét miễn giảm môn học)

III. GIỚI THIỆU NGÀNH ĐÀO TẠO CAO HỌC CHUYÊN NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH

 CHI TIẾT XEM THÔNG BÁO TUYỂN SINH CAO HỌC KHOA MÁY TÍNH

IV. ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

  • Chương trình đào tạo được thiết kế theo học chế tín chỉ được tham khảo từ những chương trình đào tạo CNTT tiên tiến của các trường ĐH trong và ngoài nước (theo tổ chức ACM).
  • Các môn học chú trọng đến khả năng ứng dụng, thực hành, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
  • Hệ thống giáo trình giảng dạy và tài liệu tham khảo phong phú bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

V. ĐẦU VÀO/YÊU CẦU TUYỂN SINH

Khoa tuyển sinh trong hệ thống tuyển sinh đại học chung của nhà trường, thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khoa xét tuyển cả 05 ngành (ngành Khoa học máy tính, ngành Khoa học máy tinh (Chất lượng cao), ngành Hệ thống thông tin quản lý, ngành Công nghệ thông tin, ngành Trí tuệ nhân tạo) theo các phương thức sau:

  • Dựa trên kết quả Thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các môn thuộc khối A, A1, D1 và D7 (riêng ngành Khoa học Máy tính, ngành Khoa học Máy tính (Chất lượng cao) và ngành Công nghệ thông tin, điểm môn Toán được tính hệ số 2).
  • Theo xét tuyển theo hình thức kết quả học tập 03 năm THPT (Học bạ: điểm lớp 10, 11 và HK1 lớp 12).
  • Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
  • Ưu tiên xét tuyển Học sinh giỏi 3 năm THPT.
  • Ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có: kết quả thi tú tài quốc tế (IB), chứng chỉ quốc tế A-level của trung tâm khảo thí ĐH Cambridge (Anh), kết quả kỳ thi SAT đạt tiêu chuẩn.
  • Ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ có CC ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn.

VI. ĐẦU RA/ CƠ HỘI VIỆC LÀM

  • Lĩnh vực/khối ngành Công nghệ Thông tin đã, đang và sẽ là ngành/lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển. Tại các nước phát triển, lĩnh vực/khối ngành CNTT đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội… Do đó, sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực/khối ngành Công nghệ thông tin (ngành Khoa học máy tính, ngành Khoa học máy tính (Chất lượng cao), ngành Công nghệ thông tin, ngành Hệ thống thông tin quản lý, …) hứa hẹn những cơ hội nghề nghiệp phong phú, công việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước với nguồn thu nhập hấp dẫn.
  • Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, công ty có ứng dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực CNTT tại Việt Nam và cả ở một số nước tiên tiến trên thế giới (ví dụ: Nhật Bản, …).
  • Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia nghiên cứu khoa học với vai trò nghiên cứu viên, giảng dạy tại các cơ sở trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, ... về CNTT.
  • Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại Học Mở TP. HCM, ngày nay có mặt trên khắp mọi miền đất nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều cương vị từ lập trình viên; phát triển phần mềm; nhân viên tin học; quản trị hệ thống; chuyên viên trong các cơ quan kinh tế, sản xuất, quản lý,…; kinh doanh…; đến lãnh đạo và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Cao đẳng – Đại học,…
  • Phần lớn các sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê trong nhiều năm liền, tỉ lệ sinh viên của Khoa Công Nghệ Thông Tin – Trường Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề là hơn 90%. Trong đó có đến hơn 50% sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo trước khi tốt nghiệp. Sau khi làm việc từ 1-5 năm, có thể thu nhập từ 700 USD đến 1500 USD/tháng. Một số trường hợp xuất sắc còn có mức thu nhập cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài ngàn USD/tháng.
  • Trong tương lai, nhu cầu tuyển dụng nhân lực các ngành khối Công nghệ thông tin (ngành Khoa học máy tính, ngành Khoa học máy tính (Chất lượng cao), ngành Công nghệ thông tin, ngành Hệ thống thông tin quản lý,..) sẽ tuyển dụng rất lớn kể cả trong nước và nước ngoài, nhất là trong giai đoạn công nghiệp 4.0.

VII. VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP

Sau khi hoàn thành các yêu cầu của chương trình đào tạo, sinh viên được cấp bằng Đại học chính quy tập trung (có xếp loại học lực, đi kèm là phụ lục bảng điểm). Theo học chế tín chỉ, từ khóa 2009, sinh viên không còn thi tốt nghiệp mà chỉ cần hoàn thành các môn học theo quy định của chương trình.

VIII. CƠ HỘI HỌC TẬP Ở CÁC BẬC CAO HƠN

  • Sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng có thể học liên thông lên bậc Đại học.
  • Sinh viên tốt nghiệp hệ Đại học có thể học tiếp các bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ thuộc ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính, Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin.

IX. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo đại học của các ngành xấp xỉ 130 tín chỉ với thời gian đào tạo là 4 năm. Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn hoặc dài hơn thời gian trên tùy theo kế hoạch và năng lực học tập.

Chương trình đào tạo gồm hai khối kiến thức chính:

  • Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn học cơ sở về tin học (cơ sở lập trình, nhập môn tin học …), các môn học công cụ như toán, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và quốc phòng…
  • Khối kiến thức chuyên nghiệp bao gồm các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành.

Khi vào giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được chọn chuyên ngành phù hợp với năng lực và nguyện vọng. Với mỗi định hướng, sinh viên sẽ chọn những môn học phù hợp để sau khi ra trường có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc.

Trước khi ra trường, sinh viên phải trải qua một kỳ thực tập tại các doanh nghiệp, cơ quan, hoạt động trong lĩnh vực CNTT nhằm thực hành việc vận dụng lý thuyết vào thực tế. Sinh viên có thể chủ động lựa chọn đơn vị thực tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.

X. HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN

  • Khoa có các mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, ứng dụng CNTT vào kinh tế, sản xuất, quản lý, …  tại TP HCM để đưa sinh viên đi thực tập và tham quan học hỏi hằng năm
  • Các câu lạc bộ học thuật như: Câu lạc bộ Anh văn, Câu lạc bộ Lập trình, Câu lạc bộ Olympic Tin học… hỗ trợ sinh viên các hoạt động học thuật, nâng cao kiến thức chuyên môn, giải quyết các bài toán nghề nghiệp
  • Hằng năm sinh viên của Khoa đạt các giải Olympic Tin học Quốc gia, giải Nghiên cứu Khoa học Tài năng khoa học trẻ Việt Nam (cấp Bộ), giải nghiên cứu khoa học Eureka (cấp Thành phố)
  • Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên của Khoa có nhiều hoạt động hỗ trợ học tập cho sinh viên của Khoa bằng các hội thảo, báo cáo chuyên đề nhằm củng cố, bổ trợ kiến thức, rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên.
  • Các chuyến dã ngoại, cắm trại, cuộc thi văn nghệ, thể thao và hoạt động thanh niên tình nguyện được tổ chức định kỳ nhằm phát triển các kỹ năng xã hội của sinh viên.

VĂN PHÒNG KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Lầu 6, phòng 604, số 35 - 37 Hồ Hảo Hớn, Phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: (028) 3838.6603 - Website: it.ou.edu.vn - Email: fcs@ou.edu.vn

Top